Ứng dụng công nghệ viễn thám đa đầu thu, đa độ phân giải và hệ thông tin địa lý (GIS) trong quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý hành lang bờ biển, thí điểm tại tỉnh Nam Định

Gửi bởi edic  |  29 Tháng Mười Một 2017 3:08:43 SA  | 
Công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý là công cụ hữu hiệu phục vụ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên, với phương pháp truyền thống thì công tác này cần một nguồn kinh phí lớn mà hiện nay các địa phương chưa có điều kiện thực hiện. Do vậy, hầu hết các địa phương chưa thiết lập được hành lang bảo vệ vùng bờ.
 

Vùng bờ biển là mảng không gian nằm chuyển tiếp giữa lục địa và biển. Vùng không gian này luôn chịu tác động của các yêu tố như sông, sóng, dòng chảy, thủy triều của biển và đặc biệt là các hoạt động kinh tế xã hội của con người. Tiềm năng tài nguyên vùng bờ biển việt Nam rất đáng kể, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Dọc ven biển có các sa khoáng, khoáng vật nặng của các nguyên tố quý hiếm như titan, ziacon và xeri. Ven biển nước ta cũng có hơn 20 hệ sinh thái, trong đó có 3 hệ sinh thái đặc trưng là rừng ngập mặn, rạn san hô và thảm cỏ biển, với khoảng 800.000 ha bãi triều và các vũng vịnh, đầm phá ven bờ rất thuận lợi để nuôi trồng các loại hải sản có giá trị xuất khẩu cao.

 

Với tiềm năng to lớn của vùng ven bờ, trong thời gian gần đây các hoạt động kinh tế vùng ven bờ đang có sự phát triển mạnh mẽ. Sự phát triến kinh tế-xã hội ở vùng bờ biển đã và đang tạo sức ép rất lớn đến hoạt động bảo tồn, cũng như việc bảo vệ tài sản và nguồn vốn tự nhiên từ các hệ sinh thái của toàn vùng. Để quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý hành lang bờ biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Thông tư quy định thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiếu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. Cũng theo quy định của pháp luật, các tỉnh thành phố có biển cần thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

 

Để thực hiện việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thì các thông tin, dữ liệu khu vực ven bờ biển như hiện trạng tài nguyên, môi trường vùng bờ, đặc điểm chế độ sóng, các khu vực bị sạt lở.. .cần được thu thập. Tuy nhiên các thông tin dữ liệu này hiện chưa đầy đủ về chủng loại, hoặc thiếu đồng bộ, thiếu cập nhật. Ví dụ dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất được phủ trùm toàn lãnh thổ nhưng không được cập nhật thường xuyên, thông tin về hiện trạng sói lở bờ biển cũng không được cập nhất. Các vấn đề khó khăn về dữ liệu sử dụng trong thiết lập hành lang bảo vệ bờ biến hoàn toàn có thế khắc phục bằng công nghệ viễn thám.

 

Trên thế giới công nghệ viễn thám kết hợp với GIS, từ lâu đã được ứng dụng trong xây dựng, cập nhật các thông tin được yêu cầu trong công tác thiết lập hành lang bảo vệ đường bờ bao gồm: Dữ liệu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên vùng bờ. Dữ liệu viễn thám quang học độ phân giải cao như VNREDSat-1 của Việt Nam có thể sử dụng trong việc cập nhật thông tin về điều kiện tự nhiên cũng như tài nguyên thiên nhiên vùng bờ; Dữ liệu về hiện trạng khai thác sử dụng tài nguyên vùng bờ như du lịch, giao thông, khai thác, nuôi trồng thủy sản. Các thông tin này thường thay đổi nhanh theo thời gian nhất là ở các vùng có hoạt động kinh tế sôi động như vùng ven bờ biển. Sử dụng công nghệ viễn thám, các lớn dữ liệu này sẽ được cập nhật phục vụ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển chính xác; Thông tin về tình hình diễn biến và rủi ro thiên tai như tình hình sạt lở đường bờ, ngập lụt. Dữ liệu viễn thám quang học độ phân giải cao có thể cung cấp thông tin về tình hình sói lở bờ biển. Dữ liệu viễn thám siêu cao tần sẽ cung cấp thông tin về các khu vực thường xuyên bị ngập lụt. Thông tin về chế độ sóng, dòng chảy, độ cao mực nước biển. Viễn thám siêu cao tần chủ động có thể cung cấp bản đồ tổng quan về độ cao sóng, dòng chảy. Trong khi đó viễn thám siêu cao tần bị động cho phép xác định độ cao mực nước biển thường xuyên với độ chính xác centimet.

 

Như vậy, công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý là công cụ hữu hiệu phục vụ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Hơn nữa, với lợi thế của việc chụp ảnh liên tục thì việc giám sát hành lang bảo vệ bờ biển sau khi được thiết lập hoàn toàn có thể thực hiện được bằng công nghệ viễn thám. Mặt khác, theo quy định của pháp luật thì các địa phương phải thực hiện việc thiết lập hành lang bảo vệ vùng bờ. Tuy nhiên, với phương pháp truyền thống thì công tác này cần một nguồn kinh phí lớn mà hiện nay các địa phương chưa có điều kiện thực hiện. Do vậy, hầu hết các địa phương chưa thiết lập được hành lang bảo vệ vùng bờ.

 

Mặc dù vậy, để có thể ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS phục vụ công tác xây dựng hành lang bảo vệ bờ biển cần có những nghiên cứu về cơ sở khoa học, xây dựng các quy trình công nghệ để đảm bảo ứng dụng này một cách khả thi nhất. Chính vì vậy, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong xác định khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển hiện nay là rất cần thiết và cấp bách. Thông qua những nghiên cứu này sẽ góp phần xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn cũng như đánh giá khả năng ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ công tác phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn việc ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; đề xuất mô hình giám sát hành lang bảo vệ bờ biển sử dụng công nghệ viễn thám đa đầu thu, đa độ phân giải; đồng thời đánh giá được khả năng ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý hành lang bờ biển.

CTXP tổng hợp theo CTĐT