Hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đo đạc và bản đồ ở Việt Nam

Gửi bởi edic  |  19 Tháng Bảy 2016 12:58:44 SA  | 

Hoạt động tiêu chuẩn hóa (bao gồm xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật) là hoạt động mang tính kinh tế - kỹ thuật, liên quan mật thiết với hoạt động quản lý nhà nước (QLNN) và hoạt động cụ thể của doanh nghiệp trong việc quản lý chất lượng. Tiêu chuẩn là cầu nối giữa kết quả của Khoa học và Công nghệ (KH&CN), các phát minh sáng chế đến sản xuất và người sử dụng.

Tiêu chuẩn hóa và quản lý chất lượng sản phẩm ở Việt Nam

Ở Việt Nam, vấn đề tiêu chuẩn hóa và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau dưới tác động của cơ chế quản lý kinh tế qua các thời kỳ. Trong thời kỳ quản lý kinh tế theo mô hình kế hoạch hóa tập trung, quản lý chất lượng dựa trên hệ thống các tiêu chuẩn Việt Nam bắt buộc áp dụng. Trong thời kỳ đầu chuyển đổi từ cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã được xem xét điều chỉnh cho phù hợp với xu thế mới và bước đầu được quy định trong hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Pháp lệnh Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 1990, Pháp lệnh Đo lường năm 1999). Đặc biệt, khi Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN năm 1995, thành viên ASEM năm 1996, thành viên APEC năm 1998, ký kết Hiệp định thương mại Việt – Mỹ năm 2000 và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, nhu cầu đổi mới phương thức tiếp cận quản lý chất lượng cho phù hợp với cơ chế thị trường, hội nhập với quốc tế là một nhu cầu tất yếu khách quan.

Công tác quản lý chất lượng trong thời kỳ này bước đầu thể hiện rõ hơn định hướng dựa trên tiêu chuẩn hóa (xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn) ở cả quy mô nhà nước lẫn doanh nghiệp. Trong thời kỳ vận hành cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) hiện nay, hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng nói riêng đã được hoàn thiện và nâng cao hơn. Sự chuyển biến cả về nhận thức lẫn hành động cụ thể trong quản lý tiêu chuẩn, chất lượng đã được quan tâm, đổi mới để phù hợp với các quy định của WTO. Nền tảng của sự đổi mới này là Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Các luật này đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, cụ thể là hoạt động tiêu chuẩn hóa và hợp chuẩn diễn ra rất sôi động với việc hằng năm có hàng trăm tiêu chuẩn và quy chuẩn được ban hành, nhiều thiết bị đo và thử nghiệm được kiểm định và hiệu chuẩn, nhiều phương pháp thử tiêu chuẩn được thực hiện và nhiều tổ chức, sản phẩm được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn tương ứng, phục vụ đắc lực cho quản lý và phát triển kinh tế. Hoạt động tiêu chuẩn hóa và hợp chuẩn còn được thể hiện qua việc hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế tương ứng, xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trên cơ sở viện dẫn tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế vào nội dung của quy chuẩn kỹ thuật, dùng các phương pháp thử tiêu chuẩn để kiểm soát sản phẩm trong quá trình sản xuất và sử dụng công cụ đánh giá sự phù hợp (chứng nhận hợp quy).

Đo đạc và bản đồ là hoạt động điều tra cơ bản phải đi trước một bước. Hệ thống sản phẩm, thông tin ĐĐ&BĐ phải bảo đảm chuẩn quốc gia thống nhất, phù hợp chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu QLNN về lãnh thổ, quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH), quy hoạch phát triển bền vững nền KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP-AN), phòng, chống thiên tai, giám sát khai thác tài nguyên thiên nhiên (TNTN), kiểm soát tình trạng môi trường, đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của cộng đồng, phục vụ quản lý sản xuất, dịch vụ, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và nâng cao dân trí.  Hoạt động tiêu chuẩn hóa và hợp chuẩn trong ngành ĐĐ&BĐ cũng mang những đặc điểm chung của hoạt động tiêu chuẩn hóa và hợp chuẩn của Việt Nam qua các thời kỳ phát triển KT-XH.

Căn cứ vào hệ thống văn bản pháp lệnh chung của Chính phủ, hoạt động tiêu chuẩn hóa ĐĐ&BĐ phát triển theo 3 giai đoạn chính:

Giai đoạn trước năm 1990 công tác chuẩn hóa được thực hiện theo các điều lệ do Chính phủ ban hành; hệ thống tiêu chuẩn gồm bốn cấp: Nhà nước (TCVN), ngành (TCN), địa phương (TCV), cơ sở (TC) và hệ thống quy phạm, quy trình kỹ thuật do các bộ, ngành ban hành.

Giai đoạn từ năm 1990 – 2006 công tác chuẩn hóa được thực hiện theo một số qui định của Pháp lệnh Đo lường, Pháp lệnh chất lượng hàng hoá do UBTV Quốc hội ban hành và các nghị định do Chính phủ ban hành;

Từ năm 2007 đến nay công tác chuẩn hóa được thực hiện theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật do Quốc hội Khóa XI thông qua năm 2006, có hiệu lực từ 01/1/2007. Hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam gồm Tiêu chuẩn Việ Nam (TCVN) và Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS); hệ thống quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam gồm Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) và Quy chuẩn địa phương (QCĐP). Hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được đổi mới toàn diện và thống nhất.

Kết quả áp dụng Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động đo đạc và bản đồ từ năm 2007 đến nay

Thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực từ 01/1/2007, đầu năm 2007 Cục ĐĐ&BĐ Việt Nam đã tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về ĐĐ&BĐ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành Danh mục các văn bản QPPL trong lĩnh vực ĐĐ&BĐ đã hết hiệu lực thi hành và kế hoạch chuyển đổi các tiêu chuẩn ngành, quy phạm, quy định kỹ thuật thành tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia theo quy định tại Nghị định số 127/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong ĐĐ&BĐ đã khiến cho một số quy định kỹ thuật trong hệ thống văn bản hiện hành đã trở nên không còn phù hợp. Theo đó, những quy định kỹ thuật cho quy trình sản xuất bản đồ theo công nghệ tương tự cần được thay thế bằng quy trình sản xuất dữ liệu địa lý và dẫn xuất ra các sản phẩm về bản đồ.

Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, trong những năm gần đây, Bộ TN&MT đã ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: QCVN 11:2008/BTNMT về xây dựng lưới độ cao, QCVN 04:2009/BTNMT về xây dựng lưới tọa độ và QCVN 42:2012/BTNMT về chuẩn thông tin địa lý cơ sở. Bên cạnh đó, nhiều tiêu chuẩn về cơ sở dữ liệu (CSDL) địa lý đã được xây dựng, đặc biệt là, trong các năm 2012-2015, các dự thảo tiêu chuẩn đang được rà soát, thẩm định để trình Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công bố. Do những khó khăn về chuyên môn, những bất cập liên quan đến tính đồng bộ trong toàn hệ thống văn bản quy định kỹ thuật ĐĐ&BĐ nói chung, việc công bố các tiêu chuẩn này còn chậm và chưa đạt kết quả mong muốn.

Cũng trong giai đoạn này, các bộ, ngành đã công bố được 06 tiêu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực đo đạc chuyên ngành (chuyển đổi từ TCN ngành xây dựng và ngành địa chất), đó là: TCVN 9360:2012 quy trình kỹ thuật xác định độ lún công trình dân dụng và công nghiệp bằng phương pháp đo cao hình học; TCVN 9398:2012 công tác trắc địa trong xây dựng công trình - yêu cầu chung; TCVN 9399:2012 nhà và công trình xây dựng - xác định chuyển dịch ngang bằng phương pháp trắc địa; TCVN 9400:2012 nhà và công trình xây dựng dạnh tháp - xác định độ nghiêng bằng phương pháp trắc địa; TCVN 9401:2012 kỹ thuật đo và xử lý số liệu GPS trong trắc địa công trình; TCVN 9434:2012 Điều tra, đánh giá và thăm dò khoáng sản - công tác trắc địa phục vụ địa vật lý.

Trong thời gian qua, công tác lập quy hoạch kế hoạch tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Ngành ĐĐ&BĐ đã trở thành chủ đề của nhiều hội thảo, hội nghị khoa học. Gần đây nhất là đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Kết quả nghiên cứu đã thiết lập được kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ĐĐ&BĐ giai đoạn 2016-2020, quy hoạch nội dung nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật ĐĐ&BĐ giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030 phù hợp với điều kiện Việt Nam, hài hòa với thế giới. Đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn về ĐĐ&BĐ chủ yếu liên quan đến các nội dung: Cơ sở ĐĐ&BĐ; công tác thu nhận dữ liệu, xử lý thông tin, cập nhật CSDL; các sản phẩm cơ sở dữ liệu địa lý, bản đồ địa hình, bản đồ hành chính và các loại bản đồ chuyên đề khác; các hoạt động liên quan đến dịch vụ ĐĐ&BĐ.

Theo kế hoạch dự thảo trong giai đoạn 2016-2020, sẽ xây dựng  khoảng 40 TCVN và QCVN. Kế hoạch này sẽ được điều chỉnh hàng năm cho phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn được giao và những biến động của công nghệ mới. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, cần nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp trong việc tập trung nguồn lực, kinh phí và tổ chức thực hiện. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ĐĐ&BĐ là một trong những điều kiện cơ bản để quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm, làm căn cứ để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật bảo đảm tính khoa học và thực tiễn.

Trong điều kiện công nghệ thay đổi nhanh và hướng tới cơ chế đấu thầu, đặt hàng đối với sản phẩm ĐĐ&BĐ, cần có những thay đổi lớn về quan điểm quản lý chất lượng ở các cấp. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập, các sản phẩm ĐĐ&BĐ cần phù hợp với tiêu chuẩn tiến tiến của khu vực và quốc tế, nhằm bảo đảm sự tích hợp, sử dụng thống nhất, phục vụ các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, xóa đói giảm nghèo, quản lý TN&MT, giảm thiểu rủi ro, thiên tai.

Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là cơ sở để đánh giá, phân loại đồng thời động lực thúc đẩy ứng dụng tự động hóa, phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, từ đó huy động sự tham gia rộng rãi  từ các nguồn lực của tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất. Đây cũng chính là mục tiêu cần đạt tới của công tác tiêu chuẩn hóa Ngành ĐĐ&BĐ.

NM tổng hợp Theo TS. Trần Bạch Giang – monre.gov.vn

3041anhtintuc.jpg