Khái niệm bản đồ số địa chính

Gửi bởi edic  |  06 Tháng Chín 2016 3:01:00 SA  | 

Bản đồ số địa chính là sản phẩm bản đồ địa chính được số hóa, thiết kế, biên tập, lưu trữ và hiển thị trong hệ thống máy tính và các thiết bị điện tử. Nó có nội dung thông tin tương tự như bản đồ địa chính vẽ trên giấy song các thông tin này được lưu trữ dưới dạng số.

Bản đồ số địa chính được tạo ra theo hai phương pháp cơ bản, đó là: số hóa các bản đồ địa chính đã vẽ trên giấy hoặc biên tập từ số liệu đo đạc trên thực địa và số liệu đo ảnh hàng không.

Để thành lập bản đồ số địa chính cần nghiên cứu các chuẩn về bản đồ số và tổ chức dữ liệu. Đó chính là những quy định nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, tính thống nhất trong  mô tả, lưu trữ và hiển thị nội dung thông tin.

Chuẩn hệ quy chiếu.

Hệ quy chiếu của bản đồ số địa chính đồng nhất với hệ quy chiếu của bản đồ địa chính thông thường cả về mặt quy chiếu độ cao, elipxoid thực dụng và lưới chiếu tọa độ vuông góc phẳng.

Khi trình bày bản đồ địa chính dạng số, mọi đối tượng bản đồ đều được thể hiện trong cùng một hệ quy chiếu không gian. Ngoài ra còn sử dụng thêm một số yếu tố tham chiếu khác để đảm bảo tính duy nhất khi nhận dạng, tìm kiếm các yếu tố trong phạm vi tờ bản đồ hoặc trong  khu vực đo vẽ.

Các phần mềm thành lập bản đồ chuyên dụng đều đảm bảo có thể tính toán chuyển đổi giữa các hệ tọa độ trắc địa thông dụng.

Mô hình dữ liệu và khuôn dạng dữ liệu đồ họa.

Mô hình dữ liệu không gian là một mô hình toán học mô tả cách biểu diễn  các đối tượng bản đồ dạng số. Bản đồ địa chính sử dụng mô hình dữ liệu không gian vector.

Khuôn dạng dữ liệu bản đồ địa chính cần tuân theo dạng chuẩn quy định. Việc lựa chọn khuôn dạng dữ liệu cần đảm bảo một số yêu cầu sau:

-         Khuôn dạng dữ liệu được công bố và đang được sử dụng rộng rãi.

-         Khuôn dạng dữ liệu có thể biểu diễn thuận lợi các đối tượng đa dạng của bản đồ địa chính.

-         Khuôn dạng dữ liệu có khả năng chuyển đổi để sử dụng trong các phần mềm bản đồ thông dụng khác nhau và làm cơ sở cho các hệ thống thông tin địa lý và hệ thống thông tin đất đai.

Trong thực tế công tác trắc địa bản đồ ở Việt Nam hiện nay có hai khuôn dạng dữ liệu đã và đang dùng để thành lập bản đồ địa chính dạng số, đó là: File .DWG, File .DXF và File .DGN. Các dạng Format này đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng.

Theo quy định trong quy phạm  thành lập bản đồ địa chính ban hành năm 2000 thì dù sử dụng khuôn dạng dữ liệu nào cũng phải đảm bảo chuyển đổi về File .DGN để lưu trữ, quản lý và khai thác.

Phân lớp nội dung bản đồ địa chính.

Các thông tin không gian trên bản đồ địa chính khá phong phú. Các đối tượng bản đồ được thể hiện qua các kiểu đặc trưng như điểm, đường, đường gấp khúc và vùng. Các đối tượng được tổ chức thành nhiều lớp thông tin, mỗi lớp thể hiện một loại đối tượng bản đồ. Mỗi lớp thông tin sử dụng một kiểu điểm, một kiểu đường, một kiểu chữ và một màu nhất định để hiển thị.

Các lớp thông tin được định vị trong cùng một hệ quy chiếu nên khi chồng xếp các lớp thông tin lên nhau, chúng ta được cơ sở dữ liệu không gian có hình ảnh giống như một tờ bản đồ hoàn chỉnh.

Việc phân lớp thông tin bản đồ địa chính phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

-         Phân lớp thông tin dựa trên cơ sở phân loại đối tượng bản đồ.

-         Các đối tượng trong một lớp thông tin thuộc một loại đối tượng hình học như điểm, đường hoặc vùng.

-     Yếu tố cơ bản của thông tin bản đồ là loại đối tượng (object). Các đối tượng có cùng một số đặc tính được gộp lại thành lớp đối tượng (object class). Các lớp đối tượng được gộp lại thành nhóm đối tượng gán mã duy nhất. Đảm bảo đánh số theo thứ tự liên tục đối với các loại trong lớp, các lớp trong nhóm.

-     Các loại đối tượng, các lớp đối tượng, các nhóm đối tượng được đặt tên theo kiểu viết tắt sao cho dễ dàng nhận biết loại thông tin.

Trong cơ sở dữ liệu không gian bản đồ địa chính có 10 nhóm đối tượng:

1.      Điểm khống chế trắc địa gồm 2 lớp là khống chế nhà nước và không chế đo vẽ với 7 loại đối tượng.

2.      Thửa đất gồm 1 lớp với 4 loại đối tượng như: đường ranh giới thửa đất; điểm ghi nhãn thửa gồm số hiệu thửa, loại đất, diện tích; ghi chú độ rộng; ghi chú thửa.

3.      Nhà gồm 1 lớp và 3 loại đối tượng.

4.      Điểm quan trọng có tính chất kinh tế, văn hóa, xã hội gồm 3 loại đối tượng.

5.      Đường giao thông gồm 2 lớp là giao thông đường sắt và giao thông đường bộ với 7 loại đối tượng.

6.      Thủy hệ gồm 2 lớp đối tượng với 9 loại đối tượng.

7.      Địa giới gồm 4 lớp là biên giới quốc gia, địa giới tỉnh, địa giới huyện và địa giới xã với 15 loại đối tượng.

8.      Quy hoạch gồm 1 lớp và 2 loại đối tượng.

9.      Phân vùng đặc biệt gồm 1 lớp và 3 loại đối tượng.

10. Cơ sở hạ tầng gồm 1 lớp và 4 loại đối tượng.


(-- nMinh -- tổng hợp theo TT 55/2013/TT-BTNMT)

3085HUE.jpg