Quản lý rừng bền vững bằng công nghệ số

Gửi bởi edic  |  05 Tháng Chín 2017 3:47:23 SA  | 

Việc tập hợp và đưa thông tin hàng triệu lô rừng của Việt Nam lên mạng internet đang hỗ trợ đắc lực cho ngành lâm nghiệp trong quản lý rừng, thực thi lâm luật, thương mại lâm sản và triển khai các hoạt động REDD+ về giảm thiểu khí nhà kính do phá rừng, mất rừng.

Các dữ liệu tài nguyên rừng có một vai trò then chốt trong các hoạt động lâm nghiệp. Do vậy, Việt Nam đã thực hiện một số chu kỳ điều tra rừng để thu thập các dữ liệu về tài nguyên rừng từ năm 1990. Nhằm mục đích cho phép dữ liệu về tài nguyên rừng có thể được toàn ngành tiếp cận dễ dàng, năm 2013, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã triển khai dự án Phát triển hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp Việt Nam (FORMIS II). Theo đó, hệ thống này sẽ tích hợp dữ liệu, thông tin của 8,5 triệu lô rừng của hơn 1.1 triệu chủ rừng trên cả nước, cùng với dữ liệu từ các chu kỳ điều tra lâm nghiệp.

Đến thời điểm này, thông tin của hơn 800.000 chủ rừng ở 40 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được cập nhật trong hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng Việt Nam. Dự kiến đến tháng 6/2017, công việc này sẽ hoàn thành. Nhiều bộ dữ liệu về tài nguyên rừng ở cấp quốc gia và cấp địa phương có thể được tích hợp tùy theo nhu cầu của người dùng và độ sẵn có của dữ liệu.

Để theo dõi diễn biến rừng hàng năm, hiện nay Tổng cục Lâm nghiệp đang phát triển một phần mềm, khi bất cứ một diện tích rừng nào đã được khai thác, cơ sở báo cáo lên cơ quan kiểm lâm địa bàn, đơn vị này sẽ báo cáo lên kiểm lâm huyện, đơn vị hoàn toàn có thể điều chỉnh được dữ liệu trên hệ thống. Để làm được việc này, ngành lâm nghiệp đã đào tạo gần 1.000 cán bộ kiểm lâm cập nhật các diễn biến về rừng và đến hết năm 2018 sẽ tăng lên khoảng 2.000 người tại 500 huyện trên cả nước.

Phát biểu tại Hội thảo “Quản lý, chia sẻ dữ liệu tài nguyên rừng và xúc tiến đầu tư tại Việt Nam”, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, hệ thống thông tin hiện đại này sẽ hỗ trợ các ban, ngành lâm nghiệp và các đơn vị liên quan tại Việt Nam có thể tiếp cận và trao đổi các dữ liệu về lâm nghiệp. Cũng theo ông Ngãi, mục đích của dự án là xây dựng một hệ thống thông tin quản lý được tích hợp đầy đủ để hỗ trợ công tác ra quyết định của ngành lâm nghiệp, hỗ trợ việc quản lý rừng, các hoạt động REDD+ (giảm thiểu khí thải nhà kính do phá rừng và mất rừng) và FLEGT (thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản)....

Khi có hệ thống này, các doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu thông tin qua mạng internet về sự phát triển rừng của từng địa phương, đặc biệt là giúp tiết kiệm thời gian, chi phí trung gian, từ đó, ra quyết định đầu tư vào lĩnh vực này.

Hệ thống phần mềm này do Phần Lan - quốc gia có nhiều rừng nhất ở châu Âu hỗ trợ. Theo ông Jorma Jyrkila, Giám đốc bộ phận dịch vụ Dữ liệu lâm nghiệp thuộc Trung tâm Lâm nghiệp Phần Lan, dữ liệu lâm nghiệp của nước này được cập nhật thường xuyên về hoạt động khai thác, sự tăng trưởng và các hoạt động bảo vệ rừng. Việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại đã giúp Phần Lan giảm khoảng 60 - 70% chi phí điều tra rừng so với phương pháp thủ công.

Ông Ilkka – Pekka Simila, Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam đánh giá: “Những kết quả của dự án Formis rất hữu ích cho ngành lâm nghiệp của Việt Nam, đặc biệt, trong việc theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Tất cả dữ liệu tài nguyên rừng mà dự án làm được trong thời gian tới sẽ được lưu hành và được mọi người sử dụng. Điều này cũng giúp tăng thêm sự minh bạch trong theo dõi diễn biến và Việt Nam cũng biết được những thông tin dữ liệu tài nguyên rừng hiện có”.

Bộ dữ liệu tài nguyên rừng trung tâm gồm: Dữ liệu về Điều tra kiểm kê rừng toàn quốc (2013 - 2016), đang được tích hợp dần vào cơ sở dữ liệu trước 2017; Dữ liệu diễn biến rừng và đất lâm nghiệp cập nhật; Dữ liệu về điều tra rừng từ các chu kỳ trước đây trong cá năm 1990,1995, 2000, 2005 và 2010; Bản đồ hiện trạng rừng 2007; Bản đồ chức năng rừng 2007.

--nMinh-- theo K.Ly (monre.gov.vn)