Quy định chuẩn GIS tại Việt Nam

Gửi bởi edic  |  11 Tháng Mười 2016 12:45:16 SA  | 

Trong lĩnh vực GIS, ở Việt Nam hiện nay chuẩn về hệ qui chiếu và toạ độ quốc gia là chuẩn đã được hoàn thiện một cách đầy đủ. Hiện nay chuẩn Hệ qui chiếu và hệ toạ độ quốc gia VN-2000 đã được ban hành tạo nền tảng thống nhất về cơ sở qui chiếu cho dữ liệu đo đạc bản đồ nói chung và dữ liệu thông tin địa lý nói riêng. Chuẩn này bao gồm các quy định về:

·                Phạm vi áp dụng cho tất cả hệ thống toạ độ các cấp hạng, bản đồ địa hình, bản đồ nền, bản đồ địa chính, bản đồ hành chính quốc gia và các loại bản đồ chuyên dụng khác.

·                Các tham số của hệ qui chiếu: Ellipsoid WGS-84 toàn cầu, các kích thước, tốc độ góc quay, hằng số trọng trường, định vị và điểm gốc toạ độ quốc gia.

·                Hệ thống toạ độ phẳng, lưới chiếu bản đồ qui định cho các tỷ lệ.

Bên cạnh đó hiện nay đã có một số các quy phạm, quy định kỹ thuật về thành lập bản đồ hiện đang được áp dụng trong ngành được coi như là chuẩn của hệ thống bản đồ. Một số các quy phạm, quy định kỹ thuật có liên quan đến việc chuẩn hóa hệ thống thông tin địa lý cơ sở quốc gia bao gồm:

·                Qui định kỹ thuật số hoá bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000, 1/25.000, 1/50.000, 1/100.000 ban hành năm 1999. Trong đó có đề cập đến qui định về các lớp, nội dung thông tin, ký hiệu áp dụng cho công việc số hoá bản đồ địa hình. Qui định được thực hiện trên khuôn dạng phần mềm MicroStation.

·                Qui phạm thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/500, 1/1.000, 1/2.000, 1/5.000, 1/10.000 và 1/25.000 ban hành năm 1999. Trong đó có qui định các nội dung thông tin và phân lớp trong xây dựng và thành lập bản đồ địa chính.

Hiện tại, Bộ TN&MT đang hoàn thiện bộ chuẩn thông tin địa lý cơ sở quốc gia bao gồm các quy chuẩn sau đây:         

·                Quy chuẩn mô hình cấu trúc dữ liệu địa lý;

·                Quy chuẩn mô hình khái niệm không gian;

·                Quy chuẩn mô hình khái niệm thời gian;

·                Quy chuẩn phân loại đối tượng địa lý;

·                Quy chuẩn hệ quy chiếu tọa độ;

·                Quy chuẩn siêu dữ liệu địa lý (metadata);

·                Quy chuẩn chất lượng dữ liệu địa lý;

·                Quy chuẩn trình bày dữ liệu địa lý;

·                Quy chuẩn mã hóa trong trao đổi dữ liệu địa lý.

Sau khi chuẩn hóa dữ liệu, sản phẩm sẽ là một bộ CSDL chuẩn cả về thông tin không gian và thuộc tính được trình bày một cách logic. Trong thực tế, quy trình chuẩn hóa dữ liệu bao gồm chuẩn hóa dữ liệu không gian và phi không gian:

·                Đối với dữ liệu không gian: chuyển đổi dữ liệu không gian về hệ tọa độ thống nhất theo yêu cầu thiết kế kỹ thuật, xác định các mối quan hệ topology, sửa lỗi topology…

·                Đối với dữ liệu phi không gian: phải chuẩn hóa địa danh, tên gọi, phân loại và phông chữ theo quy định (nếu cần thiết).

Hiện tại, ngoài chuẩn hệ toạ độ quốc gia VN2000 do Bộ TN&MT ban hành, một số quy định và chuẩn quốc gia chuyên ngành có thể kể đến như:

·                Chuẩn mã tiếng Việt quốc gia do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quy định.

·                Chuẩn các mã số do Tổng cục Thống kê ban hành.

·                Chuẩn chuyên ngành dọc được quy định bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, chuẩn thông tin địa lý GISHue cũng đã được xây dựng với dự án “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế”, chuẩn thông tin địa lý cơ sở GISHue được xây dựng nhằm đáp ứng các yêu cầu chuẩn hóa cho các hoạt động:

·                Xây dựng dữ liệu địa lý: dữ liệu địa lý phải được xây dựng trên cơ sở một bộ chuẩn thông tin địa lý chung, nhằm đảm bảo toàn bộ dữ liệu địa lý đều được xây dựng dựa trên các mô hình khái niệm và các quy tắc chung;

·                Trao đổi và chia sẻ dữ liệu địa lý: dữ liệu địa lý được trao đổi và chia sẻ trên cơ sở mọi dữ liệu địa lý được định nghĩa và xây dựng theo một bộ chuẩn thông tin địa lý chung, được mã hoá theo các chuẩn mở, độc lập nền tảng, và được chia sẻ thông qua các dịch vụ về thông tin địa lý mở.

·                Cập nhật dữ liệu địa lý: các chuẩn thông tin địa lý GISHUE được thiết kế sao cho có thể hỗ trợ tối đa cho các hoạt động cập nhật dữ liệu địa lý.

Trên cơ sở mục đích sử dụng, các Quy chuẩn thông tin địa lý trong Chuẩn thông tin dịa lý cơ sở GISHUE được thiết kế thành hai nhóm:

·         Nhóm chuẩn thông tin địa lý cơ sở:

Nhóm chuẩn thông tin địa lý cơ sở bao gồm các chuẩn nhằm định nghĩa các mô hình khái niệm, đề ra các quy tắc, các phương pháp chung, sao cho đủ để có thể định nghĩa, mô tả và quản lý dữ liệu địa lý.

·         Nhóm chuẩn thông tin địa lý chuyên ngành dùng chung:

Nhóm chuẩn thông tin địa lý chuyên ngành bao gồm các chuẩn nội dung nhằm định nghĩa cấu trúc và nội dung cho từng loại ứng dụng thông tin địa lý cụ thể (hay từng loại dữ liệu địa lý cụ thể). Các chuẩn thông tin địa lý ứng dụng phải được xây dựng trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các mô hình khái niệm, các quy tắc đã được xây dựng trong các chuẩn thông tin địa lý cơ sở.

            Trong những năm gần đây, Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc rà soát, nghiên cứu xây dựng chuẩn GIS trên cơ sở danh mục các lớp dữ liệu GIS chuyên ngành, thống nhất với quy chuẩn chung của Hệ thống thông tin địa lý GISHue của tỉnh, 13 ngành trên địa bàn tỉnh đã xây dựng bộ chuẩn CSDL GIS chuyên ngành: Chuẩn GIS ngành Kế hoạch đầu tư; Chuẩn GIS ngành Công thương; Chuẩn GIS ngành Giáo dục và Đào tạo; Chuẩn GIS ngành Khoa học và Công nghệ; Chuẩn GIS ngành Lao động Thương binh và Xã hội; Chuẩn GIS ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chuẩn GIS ngành Tài nguyên và Môi trường; Chuẩn GIS ngành Thông tin và Truyền thông; Chuẩn GIS ngành Văn hóa -Thể thao và Du lịch; Chuẩn GIS ngành Y tế; Chuẩn GIS ngành  Xây dựng; Chuẩn GIS ngành Giao thông và Vận tải; Chuẩn GIS ngành Ban Dân tộc. Tiến tới nâng cao khả năng, hiệu quả việc kiểm soát, đánh giá chất lượng sản phẩm dữ liệu GIS chuyên ngành, phù hợp với các yêu cầu hiện tại của từng ngành ,đảm bảo kết quả đầu ra đối với từng lớp, đối tượng dữ liệu địa lý, cũng như mức độ tuân thủ trong việc xây dựng, cập nhật, bổ sung nâng cấp; tích hợp,chia sẻ, quản lý các CSDL địa lý chuyên ngành của các ngành một cách có ngày càng có hiệu quả hơn./.

"--nMinh--"

3090anhtintuc.jpg