Quản lý quy hoạch xây dựng đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế trên nền GIS

Gửi bởi edic  |  28 Tháng Tám 2017 9:03:56 CH  | 

Với mục tiêu xây dựng được cơ sở dữ liệu (CSDL) GIS quy hoạch đô thị (QHĐT) thống nhất, dùng chung cho tỉnh Thừa Thiên Huế, tích hợp với hệ thống CSDL GISHue; xây dựng phần mềm khai thác và cung cấp thông tin QHĐT cho cộng đồng bằng công nghệ WebGIS; xây dựng quy trình thống nhất giữa các bản vẽ QHĐT và CSDL GIS phục vụ cho phát triển, tích hợp nguồn dữ liệu QHĐT vào CSDL GISHue, từ tháng 3/2015 đến tháng 2/2017, Viện Quy hoạch Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trì thực hiện đề tài “Quản lý quy hoạch xây dựng đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế trên nền GIS”. Kết quả của đề tài vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế nghiệm thu vào ngày 15/6/2017.

Đánh giá thực trạng công tác quản lý QHĐT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Trong thời gian qua, công tác QHĐT tại Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai đầu tư xây dựng đô thị đồng bộ; hay thiết lập các chương trình phát triển và quản lý đô thị cho các giai đoạn ngắn hạn và dài hạn. QHĐT tại tỉnh Thừa Thiên Huế đang được triển khai theo hướng đô thị di sản, văn hóa, cảnh quan, sinh thái và thân thiện với môi trường. Với mục tiêu đó, UBND tỉnh đã cho triển khai nhiều dự án quy hoạch xây dựng đô thị ở các địa phương làm cơ sở để quản lý và đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 285 đồ án quy hoạch (đã có quyết định phê duyệt), trong đó, có 159 đồ án quy hoạch xây dựng và 126 đồ án QHĐT.

Trên cơ sở những quy hoạch đã được phê duyệt, qua khảo sát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, đặc biệt là công tác QHĐT, nhóm thực hiện đề tài đã đưa ra những bất cập, khó khăn cần có giải pháp khắc phục, đó là:

  • Các đồ án quy hoạch được quản lý ở nhiều cấp khác nhau. Việc triển khai các đồ án thường diễn ra ở nhiều thời điểm, nhiều vị trí khác nhau nên rời rạc về tổng thể và khó khớp nối với nhau, nhất là ở thành phố Huế.

  • Việc hoàn thiện hệ thống cải cách hành chính theo hướng một cửa nhằm cung cấp thông tin, tăng tính công khai, minh bạch của các đồ án QHĐT đối với người dân cũng chưa thật sự có những đột phá.

  • Các tài liệu, số liệu quy hoạch tổng hợp của các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan chưa được thống kê, cập nhật đầy đủ làm cho việc chỉ đạo, quản lý, lập kế hoạch, cập nhật thông tin quy hoạch cho từng đô thị chưa được triệt để. Điều này gây ảnh hưởng đến những nhận xét, đánh giá và đề xuất cụ thể mục tiêu phủ kín các quy hoạch ở thành phố Huế và các đô thị khác. Việc hình thành hệ thống CSDL quy hoạch mang tính thống nhất, làm tiền đề cho quy hoạch kinh tế-xã hội của địa phương cũng gặp không ít khó khăn, như: hiện nay, việc quản lý xây dựng QHĐT chủ yếu vẫn dựa trên hồ sơ giấy, thiếu tính cập nhật, khó sử dụng trong phân tích dẫn đến nhiều khó khăn trong quản lý và cung cấp thông tin quy hoạch cho lãnh đạo; dữ liệu QHĐT thường được lưu trong các file bản vẽ AutoCAD nên không thích hợp cho việc chia sẻ và quản lý trên môi trường mạng nên khó khăn trong việc cập nhật biến động; các đồ án thường xuyên được điều chỉnh theo quy định, thời gian nghiên cứu dài, việc đóng góp ý kiến về các đồ án quy hoạch do phải chỉnh sửa liên tục trong khi kho hồ sơ về các đồ án còn hạn chế...

Những khó khăn này khiến công tác quản lý nhà nước về QHĐT gặp nhiều lúng túng, cần phải có giải pháp tháo gỡ. Do vậy, việc ứng dụng GIS vào quản lý QHĐT là một giải pháp tối ưu trong giai đoạn hiện nay.

Xây dựng CSDL GIS quy hoạch xây dựng đô thị

Cơ sở toán học của CSDL: CSDL địa lý hệ thống quy hoạch xây dựng đô thị dựa trên nền địa hình tỷ lệ 1:2000 áp dụng cho thành phố Huế và vùng phụ cận 1:10.000 được xây dựng trên hệ tọa độ, độ cao VN-2000.

Quá  trình chuyển đổi dữ liệu GIS quy hoạch từ các đồ án quy hoạch sang GIS được thực hiện sau khi đánh giá chất lượng các đồ án quy hoạch, cụ thể là 05 đồ án: (1) Đồ án điều chỉnh quy hoạch thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn  đến 2050, tỉ lệ 1.25.000; (2) Đồ án quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô tỉ lệ 1/10.000; (3) Đồ án Quy hoạch chi tiết trung tâm phía Nam thành phố Huế, tỉ lệ 1/2.000; (4) Đồ án Quy hoạch chi tiết khu A-khu đô thị An Vân Dương, tỉ lệ 1/2.000; (5) Đồ án Quy hoạch chi tiết trung tâm Kiểm Huệ, phường Xuân Phú, tỉ lệ 1/500. Trong quá  trình xây  dựng CSDL, việc thiết  lập chuẩn CSDL GIS là rất quan trọng, các dữ liệu thu thập từ các nguồn được xác định theo chuẩn CSDL GIS để phục vụ cho việc xây dựng dữ liệu thuộc tính và dữ liệu không gian. Trong 5 đồ án nhóm nghiên cứu lựa chọn, có 4 đồ án ở định dạng file CAD. Đối với dạng dữ liệu này, trước khi thực hiện chuyển đổi, nhóm thực hiện đã đánh giá, rà soát chất lượng, thông tin của mỗi bản vẽ. Với nhóm dữ liệu này sự sai khác có thể xảy ra ở đây là  bản đồ nền, hệ tọa độ. Sau khi đăng ký và nắn chỉnh tọa độ thống nhất với bản đồ nền thuộc dự án GISHue sẽ được tiến hành chuyển đổi theo quy trình thi công xây dựng CSDL quy hoạch xây dựng (xem hình ).

Quy trình xây dựng CSDL GIS quy hoạch

Kết quả, đã xây dựng được CSDL GIS quy hoạch xây dựng đô thị, bao gồm: (1) Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; (2) Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô đến năm 2025; (3) Quy hoạch chi tiết trung tâm phía Nam thành phố Huế; (4) Quy hoạch chi tiết khu A-khu đô thị An Vân Dương; (5) Quy hoạch chi tiết trung tâm khu dân cư KV4, phường Xuân Phú.

Theo đánh giá của các thành viên của Hội đồng nghiệm thu đề tài thì việc rà soát, tổng hợp, đánh giá các QHĐT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là một bước rất quan trọng nhằm đánh giá tổng quan chất lượng đồ án, rà soát thông tin trên mỗi bản vẽ, nhằm rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng đồ án, đặc biệt là tránh bỏ sót thông tin, từ đó đưa ra phương pháp chuyển đổi tối ưu nhất.

Xây dựng phần mềm khai thác thông tin quy hoạch xây dựng

Phần mềm được xây dựng dựa trên tiêu chí thân thiện, dễ sử dụng, có khả năng nâng cấp khi công nghệ phát triển, đáp ứng nhu cầu tra cứu, quản lý và cập nhật dữ liệu quy hoạch xây dựng. Một số tính năng của phần mềm:

  • Khai thác dữ liệu đặc thù của ngành quy hoạch xây dựng trên nền bản đồ số: cung cấp chức năng cho phép quản lý thông tin quy hoạch; khả năng chồng xếp các lớp dữ liệu trên nền bản đồ số; khả năng khai thác tìm kiếm thông tin theo không gian, thuộc tính; khả năng cập nhật thông tin từ các nguồn Geodatabase, shapefile, excel.

  • Tạo lập bản đồ quy hoạch hỗ trợ nghiệp vụ lập quy hoạch các loại: cho phép tạo lập bản đồ thủ công; tạo lập bản đồ quy hoạch từ mẫu bản đồ có sẵn; trình bày bản đồ quy hoạch.

  • Thiết lập Atlas quy hoạch phục vụ cung cấp, chia sẻ thông tin quy hoạch bằng công nghệ GIS: quản lý danh mục Atlas quy hoạch (thêm, sửa, xóa thư mục); cung cấp chức năng  cho phép quản trị nội dung Atlas quy hoạch; cung cấp chức năng khi khai thác từng nội dung của Atlas quy hoạch, cho phép xem thông tin của từng đối tượng quy hoạch.

  • Phân tích không gian trên bản đồ quy hoạch: cho phép thực hiện một  số  phép  phân tích không gian cơ bản trên bản đồ quy hoạch phục vụ nghiệp vụ lập và theo dõi việc thực hiện quy hoạch; chồng xếp với dữ liệu GIS của ngành khác; tạo bản đồ điểm nóng, bản đồ nhiệt, bản đồ vùng đệm quy hoạch.

  • Cung cấp các chức năng cho phép cập nhật dữ liệu quy hoạch theo đơn vị đồ án hoặc cập nhật trực tiếp trên nền bản đồ số.

Theo TS.KTS Đặng Minh Nam, chủ nhiệm đề tài, thì kết quả của đề tài có tác động rất lớn và mang lại nhiều lợi ích đối với việc phát triển kinh tế-xã hội nói chung và ngành xây dựng nói riêng. Kết quả nghiên cứu đã tạo ra hệ thống GIS trợ giúp hiệu quả cho công tác quản lý QHĐT; là nguồn cung cấp dữ liệu cho công tác nghiên cứu phát triển đô thị, hạn chế sự chồng chéo trong công tác thẩm định và phê duyệt quy hoạch trên nền GIS... Kết quả nghiên cứu của đề tài đã phản ảnh được tính chất quan trọng của việc ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý quy hoạch xây dựng đô thị. Đây cũng là nền tảng để các cấp, các ngành xây dựng một cơ chế phối hợp, phù hợp với tình hình hiện nay của tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm chuyển đổi, cập nhật và xây dựng dữ liệu GIS chuyên ngành xây dựng mang tính đồng bộ và hiệu quả.

(CTXP tổng hợp theo https://skhcn.thuathienhue.gov.vn/?gd=10&cn=96&tc=10598)