Tổng quan về cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý GISHue

Gửi bởi edic  |  05 Tháng Tám 2016 12:30:00 SA  | 

Mục đích cập nhật cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý

Cập nhật cơ sở dữ liệu (CSDL) nền địa lý GISHue là việc chỉnh sửa, bổ sung, chuẩn hóa lại nội dung dữ liệu nền địa lý để đảm bảo cơ sở dữ liệu nền địa lý có nội dung phù hợp với hiện trạng thực địa nhằm mục đích nâng cao chất lượng dữ liệu nền địa lý phù hợp với tính hiện thực, tính dùng chung cho mọi lĩnh vực chuyên ngành và tuân thủ theo yêu cầu của các văn bản quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu nền địa lý hiện hành.


 

Bản đồ nền địa hình tỉnh Thừa Thiên Huế

Tần suất và mức độ cập nhật cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý 

Việc cập nhật CSDL nền địa lý cần được thực hiện một cách có hệ thống, thường xuyên và theo một chu kỳ xác định. Theo quy phạm hiện chỉnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 ban hành năm 1989 thì chu kỳ hiệu chỉnh bản đồ được xác định là 6-12 năm đối với bản đồ tỷ lệ 1/10.000. Tuy nhiên, với việc ứng dụng công nghệ số cùng sự thay đổi thường xuyên bề mặt thực địa do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội như hiện nay không phải tất cả các trường hợp cập nhật biến động đều theo chu kỳ xác định trên mà chúng còn được quyết định bởi các tiêu chí về sự cần thiết phải tiến hành cập nhật biến động, đó là: Mức độ và ý nghĩa của những thay đổi về nội dung dữ liệu nền địa lý hay nội dung bản đồ so với ngoài thực tế; thời gian thành lập hoặc cập nhật dữ liệu lần cuối; tầm quan trọng của vùng về mặt kinh tế - quốc phòng. Có thể phải tiến hành cập nhật liên tục (không theo định kỳ) đối với các vùng thường diễn ra sự thay đổi lớn: Vùng ven biển nơi chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu; Nơi có sự chuyển dịch đáng kể về cơ cấu kinh tế và ở các khu vực diễn ra quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh như: khu công nghiệp, khu đô thị, công trình thủy điện/thủy lợi, sân bay/bến cảng, các tuyến đường giao thông, các khu vực có sự biến động lớn về địa hình... Mặt khác, với việc ứng dụng công nghệ GIS đã tạo điều kiện cho công tác cập nhật thường xuyên dữ liệu nền địa lý được hiệu quả đáp ứng tốt yêu cầu quản lý và khai thác dữ liệu. Tuy vậy, để đảm bảo tính hiệu quả về mặt kinh tế thì tần suất và mức độ cập nhật phải có quy định, lộ trình cụ thể như sau:

Căn cứ mức độ thay đổi và yêu cầu về quản lý nội dung cơ sở dữ liệu nền địa lý, việc cập nhật được quy định tại Thông tư số 10/2013/TT-BTNMT như sau:

   - Cập nhật định kỳ từ 3 đến 5 năm, áp dụng cho tất cả các nội dung của cơ sở dữ liệu nền địa lý.

   - Cập nhật theo mức độ thay đổi của đối tượng địa lý áp dụng cho từng chủ đề dữ liệu khi có sự thay đổi từ 20% trở lên.

   - Cập nhật hàng năm, áp dụng đối với các nhóm đối tượng địa lý thuộc chủ đề giao thông, dân cư, cơ sở hạ tầng.

   - Cập nhật tức thời, thực hiện khi có sự thay đổi về biên giới quốc gia, địa giới hành chính, vùng địa lý bị biến động bất thường do thảm họa thiên nhiên và các trường hợp khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

   - Trường hợp đối tượng địa lý thay đổi trên 40% hoặc việc cập nhật không đảm bảo yêu cầu kinh tế - kỹ thuật thì thực hiện thành lập mới cơ sở dữ liệu nền địa lý.

nMinh tổng hợp

3063anhtintuc.jpg