Trước đây, việc quản lý hạ tầng đô thị, quản lý di tích, bảo tồn theo hình thức truyền thống là dựa vào bản vẽ sơ đồ hiện trạng, bản vẽ quy hoạch trên mặt phẳng gây không ít khó khăn cho các nhà quản lý, dẫn đến thiếu trực quan về chiều cao các tòa nhà, mật độ xây dựng, …
Trong những năm qua, Tỉnh Thừa Thiên Huế đã ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System) vào công tác quản lý và được thể hiện bằng phần mềm 2D là ArcGIS (hãng ESRI). Mặc dù hình thức quản lý mới này cũng đã đem lại hiệu quả cho nhà quản lý trong việc cung cấp thông tin theo các lớp dữ liệu . Tuy nhiên, hình thức quản lý này vẫn không đủ các tính năng đáp ứng đối với tốc độ đô thị hóa cùng với sự bùng nổ của dân số và sự phát triển nhanh chóng về công sở, nhà ở, các khu công nghiệp, khu du lịch, hệ thống điện, nước… gây khó khăn trong việc quản lý tổng thể hạ tầng đô thị.
Theo đề nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, công ty TNHH MTV Trắc địa bản đồ - Cục Bản đồ đã hỗ trợ xây dựng dữ liệu 3D giúp quản lý đô thị thông minh và bảo tồn di tích bằng công nghệ GeoScan, là công nghệ tiên tiến đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Ở Việt Nam, công nghệ này mới chỉ được ứng dụng trong ngành quân sự, khảo sát địa hình. Công nghệ GeoScan được thực hiện với máy ảnh chụp ảnh trên không gắn vào thiết bị bay không người lái (UAV) với kế hoạch bay được lập trình sẵn. Bước đầu xây dựng dữ liệu tại khu vực Tử Cấm Thành - Uỷ ban nhân dân tỉnh (2km2) và khu vực Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, Huyện Phong Điền (0.935 km2).
Thiết bị bay UAV với công nghệ GeoScan
Bước chuẩn bị được kiểm tra kĩ lưỡng
Theo dõi lộ trình bay
NHĐịnh